Thứ Bảy, 20/04/2024
   
 
 
  Tiếng Việt :: English  
 
  NHIỆM KỲ
Nhiệm kỳ 2020 - 2025
  QUAN ĐIỂM CHỦ ĐẠO
Văn bản - Quy định
Thông báo
Tin tức
  HOẠT ĐỘNG CỦA HĐQT
Hội thảo quốc tế Việt - Hàn(22/12/2016)
Hội nghị quốc tế SigTelCom 2017(22/12/2016)
Tân khoa Duy Tân Đón nhận Bằng Tốt nghiệp Năm học 2013 - 2014(21/06/2014)
Hội nghị Quan hệ Hợp tác giữa DTU với Cộng đồng Doanh Nghiệp(21/06/2014)
DTU Gặp mặt các Nhà báo trong Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam(21/06/2014)
  CHUYÊN MỤC GÓP Ý KIẾN
Đặt câu hỏi
CB-NV, GV đặt câu hỏi
Phụ huynh, Sinh viên đặt câu hỏi
Trả lời của Chủ tịch HĐQT
 
PHÁT BIỂU CỦA CT. HĐQT

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho lớp trẻ

 

(Nhà giáo Ưu tú, Anh hùng Lao động. Lê Công Cơ trả lời phỏng vấn báo Giáo dục và Thời đại, số đặc biệt  230, ngày 24/9/2016)

Đó là chia sẻ của Nhà giáo Ưu tú, Anh hùng Lao động. Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân. Dưới góc nhìn của một chuyên gia giáo dục, thầy Cơ cũng có những phân tích sâu sắc về câu chuyện khởi nghiệp của các tân cử nhân, trong đó nhấn mạnh về thực trạng và những giải pháp để các bạn trẻ khởi nghiệp thành công.

Thực tế hiện nay là, rất nhiều tân Cử nhân còn loay hoay khởi nghiệp và họ gặp rất nhiều khó khăn từ thực tiễn cuộc sống. Vậy dưới góc nhìn của một chuyên gia giáo dục, thầy có ý kiến gì về thực trạng này?

Chúng ta đi từ nền giáo dục bao cấp, Nhà nước bao trọn gói đầu vào và đầu ra, do đó đào tạo nội dung gì và phương pháp gì cũng luôn được chấp nhận. Từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường thì nền giáo dục nước nhà, nhất là giáo dục đại học cả về chương trình, nội dung, phương pháp, môi trường đào tạo và tổ chức thi cử vẫn chưa theo kịp với thực tiễn cuộc sống và đáp ứng được những gì mà thị trường lao động đang cần.

Phần lớn chưa thực sự đào tạo ra được những sinh viên có năng lực và kỹ năng mang tính toàn cầu, tự tin, đổi mới và sáng tạo để khởi nghiệp, để họ tự tạo cho mình một chỗ đứng trong xã hội và có thể vươn tới hội nhập với khu vực và quốc tế. Mà cốt lõi của đào tạo khởi nghiệp ở đây, hãy khoan nói đến các kỹ năng cụ thể, mà hãy nói về tinh thần khởi nghiệp, chịu dấn thân vì ước mơ vì ý tưởng mới của mình, có lẽ trường học Việt Nam chưa dạy được tinh thần đó vì tinh thần xã hội lâu nay vẫn chưa cổ suý cho điều đó. Thực sự cũng khó cho các thầy cô đứng lớp giảng dạy khởi nghiệp nhưng khi sinh viên hỏi lúc xưa các thầy cô đã từng khởi nghiệp ra sao thì chẳng mấy người có bao nhiêu kinh nghiệm. Đây là điều rất khác với ở Mỹ hay các nước phát triển.

Bên cạnh đó, cơ chế kinh tế của Việt Nam cũng chưa thật sự hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp. Tôi có biết một số nhóm sinh viên có những ý tưởng mới và đã thử khởi nghiệp ngay khi ra trường nhưng sau một thời gian, chạy quanh với những giấy phép và thủ tục xin mở công ty cũng như bảo vệ tác quyền của ý tưởng và sản phẩm mình làm ra, mất quá nhiều thời gian và công sức thay vì tập trung cho sản phẩm khởi nghiệp, nên nhiều em đã thối chí và bỏ cuộc.

* Bàn đến câu chuyện khởi nghiệp, rõ ràng có một thực trạng là các trường đào tạo chưa bắt kịp với thực tiễn xã hội. Tức là các sinh viên sau khi ra trường còn thiếu và yếu kỹ năng. Vậy thầy nghĩ sao thực tế này, và theo thầy đổi mới giáo dục đại học có nên bắt đầu từ câu chuyện "đào tạo gắn với thực tiễn và gắn thị trường lao động" hay không?

Từ "khởi nghiệp" mới rộ lên ở nước ta gần đây với những “khẩu hiệu” là xây dựng Việt Nam thành "quốc gia khởi nghiệp", Tp. Hồ Chí Minh thành "thành phố khởi nghiệp" và nhiều địa phương cũng nói tương tự là phải trở thành những địa phương khởi nghiệp. Thế nhưng, nhiều người cũng chưa hiểu đầy đủ khởi nghiệp là gì.

Trong trường đại học hầu như sinh viên chỉ được đào tạo để có bằng, để ra trường có thể đi xin việc chỗ này, chỗ kia,... Nhiều người chạy chọt lo lót tìm một chỗ đứng trong cơ quan Nhà nước, dù đồng lương ít ỏi nhưng họ tìm thấy ở đó là một "mảnh đất màu mỡ" qua một số hoạt động không chính thống. Số khác đi làm trong các doanh nghiệp tư nhân, nhưng chủ yếu tập trung khai thác các kẻ hở của nền kinh tế thị trường còn non trẻ của Việt Nam để "chạy mánh", "đánh quả", nhanh chóng làm giàu thay vì phát triển một các căn bản, căng cơ. Chúng ta thử nhìn quanh sẽ thấy hầu hết các đại gia của Việt Nam đều nằm trong các mảng dịch vụ, bất động sản, mua đi bán lại thay vì ở các ngành sản xuất cơ bản, xây dựng thương hiệu cho nước nhà.

Vì sao nên cơ sự như vậy? Theo tôi, vì nhà trường ở các cấp của Việt Nam đã không thành công trong việc đào tạo và trang bị cho người học những loại kỹ năng cần thiết cho khởi nghiệp thật sự. Nói về các kỹ năng này thì có 3 loại:

- Kỹ năng học vấn,

- Kỹ năng sống, và 

- Kỹ năng chuyên môn.

Kỹ năng học vấn được bắt đầu đào tạo từ cấp tiểu học và tiếp tục được đào tạo xuyên suốt các cấp học sau. Kỹ năng học vấn tập trung đến các cách thức và phương tiện tiếp cận kiến thức cùng những nguyên tắc cơ bản trong việc hình thành nhân cách ban đầu qua việc trả lời "Có", "Không" hay tự đặt dấu hỏi trước những vấn đề khác nhau. Con nít hầu hết đều như tờ giấy trắng và nếu những uốn nắn ban đầu, đặc biệt là về phương pháp và đạo đức, theo đúng hướng thì sẽ dễ dàng cho việc tiếp thu các kỹ năng khác về sau. Căn bệnh thành tích, học thêm, hơn thua từng điểm một đang là vấn nạn lớn ở đây.

Khi lên cấp 2, 3 thì các kỹ năng sống bắt đầu được đào tạo, giúp học sinh có thể tự tư duy, sáng tạo và phản biện cũng như bắt đầu tìm tòi về một số kỹ năng mềm trong cuộc sống như giao tiếp, lập lịch/kế hoạch, ngoại ngữ, Tin học,... Có một điều mà tôi cũng không biết nên đánh giá là tốt hay xấu ở đây nhưng ở Việt Nam, chúng ta dạy học sinh rất tốt về Toán và các khoa học tự nhiên khác, tạo ra điểm mạnh rất rõ cho học sinh ta khi đi du học nước ngoài, nhưng đổi lại, chúng ta ít dạy ở cấp 2 và 3 các kỹ năng mềm cho các em, nên cứ y như rằng việc đào tạo các kỹ năng mềm phải "khất lại" cho đào tạo ở đại học. Nhiều trường đại học Việt Nam ngày nay đi đâu cũng quảng bá về khả năng đào tạo kỹ năng mềm của mình đến đỗi đôi lúc, tôi cảm thấy hình như đào tạo chuyên môn ở đại học Việt Nam chỉ là việc phụ so với đào tạo kỹ năng mềm.

Lên đến đại học, bên cạnh việc hoàn thiện các kỹ năng học vấn và kỹ năng sống cho sinh viên, kỹ năng chuyên môn là trọng tâm của việc đào tạo đại học, để khi ra trường sinh viên có thể làm những chuyên môn đã được đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay còn ở tình trạng là các đại học Việt Nam chúng ta vẫn chưa làm được điều đó, điều mà thị trường đang đòi hỏi. Nếu nói là đổi mới đại học là có thể bắt đầu từ câu chuyện gắn đào tạo với thực tiễn và với thị trường lao động hay không thì điều này có thể nói một cách gọn như thế này: giáo dục đại học là nhằm tạo ra năng suất ngày càng cao hơn để phát triển kinh tế xã hội, tạo tăng trưởng nhanh hơn, và làm cho đời sống con người và xã hội ngày một tốt hơn. Nên đào tạo đại học sẽ không chỉ là để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hay của thực tiễn hiện tại mà còn là để phục vụ cho sự phát triển của mỗi cá nhân, qua đó phục vụ cho viễn cảnh phát triển của xã hội trong tương lai gần và xa. Nên nếu nói gắn với thực tiễn và với thị trường lao động bằng cách tập trung thỏa mãn toàn bộ nhu cầu cho một hoặc một nhóm các doanh nghiệp nào đó thì giáo dục đại học sẽ trở nên què quặt. Chúng ta cũng biết có vô số doanh nghiệp trong thị trường lao động và không anh nào giống anh nào.

Nói cách khác, nếu nói đổi mới đại học là đào tạo gắn với thực tiễn, gắn với thị trường lao động thì là chưa đầy đủ mà phải nói là giáo dục đại học trang bị kiến thức mà đặc biệt là về chuyên môn và học thuật để sinh viên có thể đi xa hơn trong nghề nghiệp, đi sâu hơn trong nghiên cứu và sáng tạo, chứ không có nghĩa giáo dục đại học chỉ dừng lại ở đào tạo theo thực tiễn và cuộc sống, rồi sinh viên tốt nghiệp ra trường chỉ để đi làm việc. Đó mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là giáo dục đại học phải giáo dục hàn lâm cho sinh viên vì chức năng của đại học muôn đời là chức năng học thuật và sáng tạo, và trong đó, chức năng hàn lâm luôn là rất cần thiết để nâng tầm cá nhân và nhân loại - là cái nòng cho chuyện khởi nghiệp mà chúng ta đang nói đến.

* Nhiều ý kiến cho rằng, cũng cần phải khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vậy quan điểm của thầy về vấn đề này như thế nào?

Chúng ta hãy nhìn người Do Thái: họ đã dạy về khởi nghiệp cho học sinh của họ từ lúc còn ở cấp 1, dạy cho học sinh biết cách làm ra tiền và cách giữ tiền như thế nào, từng bước người ta đào tạo tiếp các kỹ năng sống và sáng tạo khác khi lên cấp 2, cấp 3 và sau đó là ở đại học. Hầu như người nào tốt nghiệp đại học ở Israel đều có đủ các kỹ năng để có thể chủ động khởi nghiệp được. Chính vì như vậy mà một nước Do Thái nằm giữa sa mạc chỉ với 6 triệu dân, xung quanh là các nước Hồi giáo thù địch nhưng họ đã làm cho sa mạc xanh tươi lên, nông nghiệp dẫn đầu thế giới về hiệu quả và nhiều lĩnh vực khác như công nghiệp, công nghệ cao, quốc phòng họ cũng ở trong nhóm hàng đầu thế giới. Như vậy thì Việt Nam ta có làm được việc đó không?! Chúng ta có thể thực hiện được điều đó nếu chúng ta dạy cho học sinh, sinh viên tinh thần khởi nghiệp ngay từ những cấp dưới và đặc biệt là phải làm sao đào tạo tốt tiếng Anh để sinh viên có thể nhanh chóng tiếp cận được những chương trình, nội dung chuyên môn và phương pháp đào tạo của nước ngoài do chúng ta hiện tại đang là người đi sau. Lên đến đại học thì tập trung vào khởi nghiệp trong từng ngành nghề cụ thể thay vì lên đến đại học mới bắt đầu khuấy động tinh thần khởi nghiệp nói chung. Chúng ta sẽ thành công trong đào tạo khởi nghiệp nếu chúng ta đào tạo ra được những sinh viên mang tính toàn cầu, có thể thích nghi với bất cứ môi trường lao động nào trên thế giới.

Hiện nay, có rất nhiều trường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp theo kiểu thành lập các mô hình, câu lạc bộ khởi nghiệp v.v.... Vậy theo thầy, chúng ta có nên nhân rộng mô hình này không và thầy có thể chia sẻ kinh nghiệm của Trường ĐH Duy Tân trong lĩnh vực này.

Hiện nay, Đại học Duy Tân đã nhóm lên được một số nhóm gọi là khởi nghiệp thật sự. Khởi nghiệp không nên chỉ làm theo phong trào mà phải là một chu trình liên tục cải tiến, không ngừng nghỉ, phải tạo ra cảm hứng cho người học, cảm hứng cho người dạy, để người ta thấy rằng khởi nghiệp là một việc làm tạo ra cái mới và không phải bao giờ cũng là cái mới hoàn toàn mà có thể là cái mới đó có thể là từ cái cũ. Chẳng hạn như một sản phẩm cũ, bây giờ ta đưa thêm hàm lượng chất xám vào làm cho nó tốt hơn với giá thành thấp hơn, tức là đã làm mới lại cái cũ. Đặc biệt, khởi nghiệp là tạo ra những ý tưởng mới, từ những ý tưởng mới đó sẽ hình thành các mô hình hay sản phẩm mẫu có thể thương mại hóa được. Trường Đại học Duy Tân vừa qua có nhiều nhóm khởi nghiệp từ cảm hứng của người thầy và người trò đã tạo ra nhiều ý tưởng hay, trong đó có một số ý tưởng hiện nay đã được biến thành sản phẩm với sự tài trợ của chính nhà trường và một số doanh nghiệp bên ngoài. Dĩ nhiên để biến khởi nghiệp thành một thói quen, một truyền thống thì có rất nhiều việc phải làm, mà trước tiên cần có những mô hình học tập và sáng tạo làm cơ sở: hiện tại, Đại học Duy Tân đang dựa trên mô hình CDIO (Conceive-Design-Implement-Operate hay Hình thành Ý tưởng-Thiết kế-Triển khai-Vận hành) cho các sinh viên/giảng viên thuộc khối Kỹ thuật & Công nghệ và phương pháp PBL (Problem-Based Learning hay Project-Based Learning - Học theo Vấn đề hay Học theo Dự án) cho các khối ngành còn lại. Duy Tân cũng là một thành viên năng động của Hội CDIO và PBL (UNESCO) quốc tế.

Vấn đề còn lại hiện nay là cơ chế chính sách của Nhà nước như thế nào đối với khởi nghiệp để những ý tưởng đó được bảo vệ về sở hữu trí tuệ và được đầu tư phát triển thành sản phẩm cụ thể, có thể thương mại hoá được. Cả nước chúng ta hiện nay có khoảng 400 trường đại học, mỗi ngành đào tạo của mỗi trường chỉ cần có một số nhóm hình thành những ý tưởng thì chúng ta đã có hàng vạn ý tưởng và trong hàng vạn ý tưởng đó chắc chắn sẽ có một số ý tưởng có thể trở thành những sản phẩm góp phần làm thay đổi về kinh tế - xã hội của đất nước. Nếu Nhà nước có cơ chế chính sách tốt và đầu tư tốt thì việc này sẽ thành công, nếu không cũng nên có những động thái tháo bỏ rào cản về thủ tục hành chính, pháp lý cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

* Xin cảm ơn thầy!

MINH PHONG thực hiện

 

 

 


Phát biểu của CT. HĐQT liên quan
  Bài trả lời phỏng vấn của NGƯT. Lê Công Cơ trên Báo điện tử Dân trí - 22/12/2016
  Bài phát biểu của Nhà giáo Lê Công Cơ tại Lễ Khai giảng năm học 2017 - 2018 - 26/10/2017
Trang chủ | Thông điệp | Thành viên | Quan điểm chủ đạo | Hoạt động của HĐQT | Liên hệ
© 2024 Đại học Duy Tân. Thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ Phần mềm.