Khát vọng Duy Tân
Ngày bắt đầu
:
29/04/2014
Ngọn đuốc Duy Tân cháy rực những đam mê vì một đại học phát triển, trường tồn cùng đất nước đã được bà Nguyễn Thị Bình - Nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam gửi đến Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Hiệu trưởng Đại học Duy Tân để truyền trao cho thế hệ trẻ. Chương trình “Khát vọng Duy Tân” do Đại học Duy Tân tổ chức tối 29/4/2014 tại Nhà hát Trưng Vương-Tp. Đà Nẵng thực sự ý nghĩa, như một lớp sóng trùng dương truyền nhiệt huyết và khát khao cho thế hệ trẻ cùng “nối vòng tay lớn” đổi mới giáo dục và canh tân đất nước.
20 năm đồng hành và cống hiến vì một Đại học Duy Tân lớn mạnh như hôm nay, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ có thật nhiều tâm tư chia sẻ với thế hệ trẻ: “Chúng ta đang sống trong thời đại của tự do, dân chủ không thể không nhớ tới những lớp lớp cha anh đi trước đã hi sinh vì một đất nước Việt Nam độc lập, hòa bình. Những anh hùng dân tộc đã không quản hi sinh đóng góp trí tuệ, tuổi trẻ cho quê hương, đất nước. Nối bước tiền nhân và hướng theo ngọn cờ của Đảng, Đại học Duy Tân quyết tâm đi theo con đường duy tân đất nước, xây dựng thành công một trường đại học có đẳng cấp khu vực và thế giới với những thế hệ sinh viên là những công dân toàn cầu. Muốn thực hiện được điều này, chúng ta phải nuôi ước mơ và truyền lửa cho thế hệ trẻ, thắp sáng niềm đam mê để mỗi con người Việt Nam là một người có giáo dục, có năng lực, phẩm chất. Duy Tân nguyện một lòng xây dựng và phát triển vững mạnh để trở thành một đại học đạt danh hiệu anh hùng trong một thành phố anh hùng.”
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chia sẻ tại đêm “Khát vọng Duy Tân”
Trong niềm hân hoan chào đón Kỷ niệm 39 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và 20 năm ngày thành lập Đại học Duy Tân, Duy Tân vui mừng chào đón Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Những chia sẻ của bà trong đêm “Khát vọng Duy Tân” chính là nguồn động viên lớn dành cho toàn thể cán bộ, giảng viên Đại học Duy Tân: “Ở thế kỷ 20, khát vọng của các nước thuộc địa là tự do, cơm áo. Đất nước Việt Nam cũng vậy, chúng ta khát khao độc lập, thoát khỏi sự đô hộ, áp bức của thực dân. Những nhà yêu nước lúc bấy giờ đã phát động phong trào Duy Tân nổi tiếng nhằm chấn hưng văn hóa, thức tỉnh nhân dân ta đấu tranh cho độc lập tự do nhưng dành được độc lập, mới là sự khởi đầu. Bác Hồ đã nói độc lập mà nhân dân còn nghèo khổ, lạc hậu chưa thực sự có tự do và hạnh phúc thì độc lập chưa có đầy đủ ý nghĩa của nó. Để đạt được khát vọng đó, nhân dân ta phải ra sức phấn đấu trong nhiều lĩnh vực, trong đó mấu chốt phải là con người, lớp người được giáo dục, đào tạo, có trí tuệ, có năng lực, đáp ứng các yêu cầu mới của sự phát triển đất nước. Đại học Duy Tân tổ chức chương trình ‘Khát vọng Duy Tân’ tiến tới kỷ niệm 20 năm thành lập trường là hết sức có ý nghĩa bởi bất cứ con người, bất cứ dân tộc nào biết tự trọng đều khát khao sự đổi mới, tiến bộ và một tương lai tốt đẹp hơn.”
Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ truyền Ngọn đuốc Duy Tân lại cho các thế hệ trẻ
Chia vui cùng Đại học Duy Tân sau 20 cống hiến và đạt được những thành công đáng tự hào, đại diện các sở, ban, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Huế cùng các nhà khoa học đến từ hơn 20 quốc gia đã đến tham dự chương trình. Ông Phùng Tấn Viết - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp. Đà Nẵng đã ghi nhận những thành công cũng như những đổi mới trong giáo dục đại học của Duy Tân. Thành phố Đà Nẵng đang phát triển lớn mạnh, kết quả đó được bắt nguồn từ những cơ quan đoàn thể trong và ngoài nước trong đó có sự đóng góp rất lớn của Đại học Duy Tân. Trong quá trình phát triển, Đại học Duy Tân luôn là ngọn cờ đầu tiên phong đổi mới chương trình đào tạo, hợp tác với các đại học từ các nước có nền giáo dục tiên tiến, đưa sinh viên ra nước ngoài du học để nâng cao chất lượng đào tạo. Duy Tân trở thành đại học ngoài công lập có thương hiệu, được xã hội tín nhiệm như hôm nay chính là thành quả của những nỗ lực từ một tập thể lớn cùng chung chí hướng đẩy mạnh giáo dục nước nhà.
Chương trình “Khát vọng Duy Tân” trở thành đêm nhạc nhóm lửa đam mê và nhiệt huyết với những khúc ca, những thanh âm thơ ca trầm ấm về quê hương đất nước, về con người miền Trung và đại học tư thục đầu tiên và lớn nhất trên mảnh đất này. Khán giả đã được lắng nghe bài thơ “Quê hương tôi” của Lê Phương Thảo - bí danh một thời chống Mỹ của Hiệu trưởng Đại học Duy Tân hiện nay. Bài thơ là tâm trạng của người đi kháng chiến, đau xót vì quê hương điêu tàn trong chiến tranh, là niềm vui nghẹn ngào trong ngày toàn thắng để dắt tay người yêu đi trong đêm ngập tràn tiếng hát và rực rỡ sao trời.
Kết thúc chương trình “Khát vọng Duy Tân” trong không khí ấm tình đoàn kết, sẻ chia đã mở ra trong mỗi trái tim những cán bộ, giảng viên, sinh viên Duy Tân hoài bão lớn về một Đại học Duy Tân phát triển mạnh mẽ trong 20 năm tới trở thành một đại học uy tín hàng đầu quốc gia, trong khu vực và trên thế giới để góp phần “đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời dặn của Bác Hồ kính yêu.
(Truyền Thông)