Thứ Năm, 02/05/2024
   
 
 
  Tiếng Việt :: English  
 
  NHIỆM KỲ
Nhiệm kỳ 2020 - 2025
  QUAN ĐIỂM CHỦ ĐẠO
Văn bản - Quy định
Thông báo
Tin tức
  HOẠT ĐỘNG CỦA HĐQT
Hội thảo quốc tế Việt - Hàn(22/12/2016)
Hội nghị quốc tế SigTelCom 2017(22/12/2016)
Tân khoa Duy Tân Đón nhận Bằng Tốt nghiệp Năm học 2013 - 2014(21/06/2014)
Hội nghị Quan hệ Hợp tác giữa DTU với Cộng đồng Doanh Nghiệp(21/06/2014)
DTU Gặp mặt các Nhà báo trong Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam(21/06/2014)
  CHUYÊN MỤC GÓP Ý KIẾN
Đặt câu hỏi
CB-NV, GV đặt câu hỏi
Phụ huynh, Sinh viên đặt câu hỏi
Trả lời của Chủ tịch HĐQT
 
TIN TỨC

Tri ân quá khứ

12/09/2012

"Nhắc nhớ về phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh-sinh viên trước 1975"

Nhà giáo Lê Công Cơ – Chủ tịch HĐQT, Q.Hiệu trưởng Đại học Duy Tân

Theo dự kiến vào tháng 6 năm 2012, lần đầu tiên, một hội thảo có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về Phong trào “Xuống đường, đập tan mọi xích xiềng” của HSSV các thành thị miền Nam, trong đó tiêu biểu nhất là Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn sẽ  được Khoa Xã hội & Nhân Văn Đại học Duy Tân , Tạp chí Thế Giới Mới và báo Thanh Niên phối hợp tổ chức trong 2 ngày tại Đà Nẵng.

Chuẩn bị cho hội thảo nói trên cũng như trong kế hoạch 2012 của mình, ngay sau những ngày nghỉ Tết Nhâm Thìn này, Nhà xuất bản Trẻ sẽ gấp rút hoàn tất các công đoạn cuối cùng để sớm xuất bản 5 tập sách đầu tiên về Phong trào HSSV trong lòng đô thị miền Nam. 

Các hoạt động trên là chuỗi nối dài tiếp theo, sau khi công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ về Phong trào HSSV trong lòng đô thị miền Nam được khởi động từ năm 2011 với kinh phí đầu tư thực hiện đến 2 tỷ đồng.

Đây cũng là lần đầu tiên, một phong trào đấu tranh yêu nước có quy mô lớn, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cục diện cuộc kháng chiến chống Mỹ và chế độ tay sai của nhân dân ta ; một phong trào vì độc lập, tự do của tổ quốc ; vì dân quyền, dân sinh và công bằng xã hội diễn ra dưới thời miền Nam bị tạm chiếm trở thành đối tượng nghiên cứu khoa học.

Chúng tôi đã gặp nhà giáo Lê Công Cơ – Chủ tịch HĐQT, Q.Hiệu trưởng Đại học Duy Tân, đơn vị đăng cai tổ chức hội thảo và chủ trì thực hiện công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ về Phong trào HSSV trong lòng đô thị miền Nam.

Ban đầu là một cuộc phỏng vấn, nhưng rồi chúng tôi bị thu hút vào một cuộc trò chuyện kéo dài, kéo dài mãi lúc nào không hay. Những tháng năm oanh liệt, những mùa Xuân tranh đấu với hàng loạt sự kiện thấm đẫm máu và nước mắt, những tên tuổi cứ như một khúc tráng ca theo cảm xúc mà trào dâng trong ông - với tư cách là người trong cuộc rồi lan tỏa cùng chúng tôi.

THẾ GIỚI MỚI: Thưa ông, cơ sở nào để Phong trào HSSV trong lòng các đô thị miền Nam truớc 1975 được đặt ở vị trí đối tượng nghiên cứu khoa học  và được đầu tư thực hiện hết sức công phu, bài bản ? 

Ông Lê Công Cơ

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng ta đề ra chiến lược 2 chân (đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị) ; 3 mũi (vừa đấu tranh vũ trang, vừa đấu tranh chính trị, vừa tiến hành dân vận-địch vận).

Đến nay, chúng ta gần như đã tổng kết xong mũi đấu tranh vũ trang. Hình ảnh chiếc xe tăng quân Giải phóng húc nhào cánh cổng dinh Độc Lập có thể xem là biểu tượng tuyệt vời của chiến thắng vũ trang. Chúng ta cũng đã tổ chức tổng kết, đánh giá và xuất bản nhiều công trình to lớn về chiến lược và nghệ thuật đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ, mà đỉnh cao là chiến dịch mùa Xuân 1975 với chiến dịch mang tên Người.

Tuy nhiên, một tổng kết đầy đủ về phong trào đấu tranh chính trị, trong đó Phong trào HSSV trong lòng đô thị miền Nam như một điển hình của tinh thần ái quốc mãnh liệt trong giới trí thức và thế hệ trẻ miền Nam lúc bấy giờ thì lại chưa được tiến hành do nhiều lý do khác nhau dù ai ai cũng biết chính phong trào đấu tranh quần chúng đã châm ngòi cho đấu tranh chính trị và tác động mạnh mẽ đến diễn biến của cục diện chiến trường lúc đó. Đồng chí Võ Chí Công-nguyên Chủ tịch nước từng phát biểu về các lực lượng cùng ra trận trong những tháng năm ấy và làm nên chiến thắng hiển hách: “Ngọn cờ Phật giáo – Ngòi pháo Sinh viên – Trung kiên Lao động”.

Trong đó, riêng phong trào đấu tranh của HSSV diễn ra khá sớm, ngay từ những năm 1954 – 1957, HSSV miền Nam phong trào đã sôi nổi tham gia các cuộc xuống đường đòi hòa bình cho Việt Nam, đòi thực hiện đúng hiệp định Gienève. Huế là nơi khởi phát phong trào sớm nhất. Và vào thời điểm 1963, với cuộc xuống đường với sự tham gia của đông đảo nữ sinh Đồng Khánh, Quốc Học (Huế), phong trào HSSV chính thức cất tiếng nói riêng. Từ đây ngọn lửa lan nhanh đến các thành thị miền Nam khác.

Không chỉ đấu tranh chính trị, biểu tình đòi độc lập dân tộc, đòi thống nhất; phản đối sự hà khắc của chế độ gia đình trị (dưới thời Ngô Đình Diệm) ; phản đối các trò mị dân, bán nước, cố tình kéo dài sự xâm lược của ngoại bang lên lãnh thổ (dưới thời chế độ ngụy quyền Sài Gòn từ Nguyễn Khánh đến Nguyễn Văn Thiệu) ; chống đàn áp, bắt bớ … Từ hình thức bằng khẩu hiệu, bằng cách tuyệt thực để phản đối nhà cầm quyền, dần dần phong trào chuyển sang các hình thức và nội dung tích cực hơn, quyết liệt hơn. Lực lượng HSSV đã có hẳn một lực lượng cảm tử, quyết tử (phong trào tại Đà Lạt) ; dẫn đường và mở đường đưa bộ đội vào nội thành trong các trận đánh có tính quyết định, trong chiến dịch lớn, nhất là Xuân Mậu Thân, Xuân 1975. Đặc biệt, từ yêu cầu diệt mật báo - diệt ác ôn, từ phong trào HSSV tranh đấu, một đơn vị đã làm kẻ thù phải kinh hoàng được ra đời: Lực lượng Biệt động nội thành.

Với ý nghĩa trên, tôi và các chứng nhân của phong trào, may mắn vẫn còn sống đến hôm nay; giới nghiên cứu, giới khoa học lịch sử ; những người làm công tác giáo dục – đào tạo đau đáu đến việc phải cố gắng tổng kết thật đầy đủ phong trào. Lần này, anh em chúng tôi mãn nguyện, bởi đây là một công trình khoa học nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá hết sức khách quan và toàn diện về một phong trào đấu tranh yêu nước.

* Lợi dụng sự phân hóa sâu sắc trong nội bộ nhà cầm quyền tay sai Sài Gòn (Hội đồng quân sự do Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu quyết định cách chức tướng Nguyễn Chánh Thi – Tư lệnh Quân đoàn I) với sự kiện thành lập Ủy ban quân dân vùng I chiến thuật (11/3/1966), Thành ủy Đà Nẵng đã cử cán bộ phụ trách đấu tranh chính trị vào nội thành chỉ đạo phong trào, tranh thủ thời cơ, giành ưu thế có lợi cho ta. Nhân dân Đà Nẵng đã nhanh chóng xuống đường, chiếm lấy các công sở quan trọng, làm chủ tình hình tại các trại lính, nha cảnh sát. 76 ngày đêm làm chủ Đà Nẵng là biểu tượng sáng ngời của sức mạnh, tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân, tạo nên bước ngoặt trong phong trào đấu tranh đô thị miền Nam. Đây là cuộc tập dượt vũ trang khởi nghĩa của nhân dân Đà Nẵng.(trích Lịch sử công tác Tuyên giáo Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng 1930-2010, trang 163-164)

THẾ GIỚI MỚI: Công trình đã được tiến hành từ lúc  nào?Dự kiến sẽ kết thúc lúc  nào?. Xin ông cho biết tham gia công trình gồm những ai ? Sau khi hoàn tất quá trình bảo vệ, công trình sẽ được xuất bản như thế nào?.  Với một công trình có giá trị như vậy, ông và Ban Biên soạn dự kiến sẽ giúp thế hệ trẻ hôm nay tiếp cận công trình qua kênh nào ?

Ông Lê Công Cơ

Như đã nói, tôi rất đau đáu với trách nhiệm của mình. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi đã bắt tay vào thực hiện bằng nhiều cách. Tuy nhiên, có thể nói, điều kiện khách quan, lẫn tâm trạng riêng tây đã chưa cho phép tôi bắt tay vào việc này một cách nghiêm túc. Cho đến lần này, mọi ước muốn mới được triển khai trọn vẹn.

Công trình được triển khai từ năm 2011, nếu hoàn thành đồng bộ thì đến cuối năm 2013 mới kết thúc.

Về sách, trước mắt khoảng tháng 3 này, Nhà xuất bản Trẻ cho ra đời 5 tập đầu tiên tập hợp những hồi ký, bút ký của những người trong cuộc.

Người thật, việc thật những tập sách này sẽ tái hiện sống động cuộc đấu tranh anh dũng ngày nào của các thế hệ HSSV trong giai đoạn đất nước bị chia cắt.

Sau 5 tập này, kế hoạch xuất bản sách về phong trào vẫn được tiếp tục, chúng tôi dự định sau hội thảo (diễn ra trong 2 ngày tại Đại học Duy Tân, Đà Nẵng) ngoài kỷ yếu (là các tham luận được trình bày tại hội thảo), sẽ có một tập sách riêng mang tính tổng kết, nhìn lại toàn diện vấn đề.

Riêng kỷ yếu phục vụ trực tiếp cho hội thảo, đến nay Ban Tổ chức đã nhận được đăng ký chính thức của tác giả là các cán bộ cốt cán của phong trào, các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu

Tại Huế có Phó Giáo sư-Tiến sỹ  Lê Cung, Phó Giáo sư-Tiến sỹ  Bửu Nam, các anh Trần Hoài, Nguyễn Xuân Hoa, Lê Văn Thuyên (nguyên Chủ tịch Tổng hội)

Tại Đà Nẵng có nhà văn-nhà báo Hồ Duy Lệ, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy, anh Bùi Xuân; nhà thơ Bùi Công Minh (nguyên Trưởng ban Tuyên giáo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng), Luật sư Đỗ Pháp (Trưởng ban Liên lạc Tổng đoàn HS Đà Nẵng), các anh Hoàng Hưng Việt, Lê Đức Hùng, Lê Anh Dũng…

Tại Quảng Nam, Quảng Ngãi các anh Nguyễn Nhung, Nguyễn văn Đại đã chính thức nhận lời.

Đặc biệt, nhiều thủ lĩnh kiệt xuất của phong trào ngày nào hiện đang sống và công tác tại TP.Hồ Chí Minh, đã  khẳng định sẽ vừa có bài phát biểu vừa tham gia suốt 2 ngày hội thảo. Đó là các anh nguyên Chủ tịch Tổng hội, Tổng Đoàn Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Hữu Thái, Hồ Hữu Nhựt ; các nhà văn-nhà nghiên cứu Hoàng Phủ Ngọc Phan, Trần Hữu Lục, Vũ Hạnh ; các nhà báo: Vũ Kim Hạnh, Lê Hoàng, Nguyễn Công Khế và Vĩnh Thắng-Phụ trách  Tạp chí Thế Giới Mới.    

Bên cạnh sách, chúng tôi còn làm phim về phong trào. Hãng Phim Thanh niên (thuộc tập đoàn truyền thông Thanh niên) đã bấm máy được nửa năm rồi. Với sự trợ giúp của các loại hình truyền thông (xem, đọc, nghe) chúng tôi tin rằng, công trình lần này sẽ giúp các bạn trẻ tiếp cận và cảm nhận được chất anh hùng ca mà thế hệ cha anh đã viết nên.

Hiện nay, tại Đại học Duy Tân, mỗi sinh viên ở bất kỳ ngành nào đều phải trải qua 64 tiết học về lịch sử, truyền thống. Chúng tôi lồng ghép giới thiệu cho các em lịch sử của các phong trào đấu tranh yêu nước khi đất nước bị ngoại xâm, trong đó có phong trào của HSSV.

Một điều đáng mừng nữa, đó là 3 nghiên cứu sinh trẻ của trường đã chọn các đề tài liên quan đến phong trào của HSSV trong lòng đô thị miền Nam để triển khai thành luận án Tiến sỹ. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Duy Tân vẫn tiếp tục triển khai các đề tài trong kế hoạch. Việc nghiên cứu về phong trào như không hề có điểm dừng, ở mỗi thời điểm khác nhau, chúng tôi và tất cả chúng ta sẽ lại phát hiện thêm nhiều điều mới lạ, kỳ diệu. Cuộc đấu tranh vệ quốc của dân tộc ta chính vì thế, thật vĩ đại vô cùng.

…Tiếp đó, miền Trung gần như “vô chính phủ”, theo lời các cơ quan truyền thông đại chúng lúc bấy giờ gọi. Ngoài đường và trong các khu phố xuất hiện lực lượng “quyết tử” chống chế độ Sài Gòn. Đã có nhiều tín hiệu “bất an” đối với Thiệu – Kỳ trước khi xảy đến tình trạng đó, như cuộc chiến tranh Phật tử, lực lượng thanh niên HSSV yêu nước bùng nổ dữ dội tại Huế và Đà Nẵng ngày 24/3/1966. Hôm sau, 25/3, tại Sài Gòn, SV trường Hồng Lạc bãi khóa xuống đường, vây đài phát thanh, với sự tham gia của đông đảo thanh niên từ ngã 7 kéo về hỗ trợ. Đúng 1 tuần sau, vào 31/3, hơn 10.000 người mở phiên xử và đốt hình nộm của Thiệu – Kỳ dựng lên trước chợ Bến Thành. Cơn sốt chính trị rõ ràng lan rộng vào các TP phía Nam. Thủ tướng ngụy quyền Nguyễn Cao Kỳ ghi nhận: “Bầu không khí căng thẳng ở Sài Gòn đã lên cao. Người ta tổ chức biểu tình hằng ngày ở Sài Gòn, Chợ Lớn…”. Tính từ tháng 3 đến tháng 6/1966, hơn 3 triệu 30 vạn lượt người ở 4 TP lớn và 29 thị xã của miền Nam xuống đường biểu tình, bãi khóa, bãi công, bãi thị liên tục. Trong đó, sôi sực, mở đầu là Huế, Đà Nẵng.

Nguyễn Cao Kỳ viết trong hồi ký của ông:

Lúc đó, theo tôi bờ biển miền Trung giống như một con rắn.

Các cuộc đàn áp dữ dội trong những ngày xảy ra các vụ việc trên và suốt cả thời gian dài sau đó không dập tắt được ngọn lửa đấu tranh truyền cháy lâu dài. Do vậy nên ông Kỳ cứ năm mơ là thấy RẮN và HUẾ và đầu RẮN.    

(trích Đọc hồi ký các tướng tá Sài Gòn xuất bản ở nước ngoài-Tư liệu của báo Thanh Niên, tác giả: Mai Nguyễn-Nhà xuất bản Trẻ, trang 141, bản xuất bản năm 2000).

Hội thảo, công trình nghiên cứu khoa học về phong trào tranh đấu của HSSV trong lòng đô thị miền Nam lần nầy là một biểu hiện của thái độ tri ân quá khứ, biết ơn những người đã ngã xuống và tiếp tục giữ lửa – truyền ngọn lửa tâm huyết ấy cho thế hệ trẻ hôm nay.

Thế hệ chúng tôi được Đảng giác ngộ thông qua những cán bộ trung kiên, lấy mục đích - mục tiêu phụng sự dân tộc, phụng sự nhân dân làm kim chỉ nam cho lẽ sống của mình . Trong bối cảnh hôm nay, tôi nghĩ rằng, vừa làm sáng tỏ và bảo tồn những giá trị vĩnh hằng của quá khứ oanh liệt do máu xương của bao người làm nên ; vừa chỉnh đốn, xây dựng Đảng ta thật sự trọng sạch-thật sự vững mạnh, điều đó rất có ý nghĩa, và nhất định sẽ mang lại tác động rất thiết thực đối với sự nghiệp giáo dục nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn thế hệ trẻ.

Trân trọng cảm ơn nhà giáo Lê Công Cơ

TRẦN NGỌC thực hiện

Tin tức liên quan

  Câu chuyện “lợi nhuận” của Đại học Duy Tân (18/05/2017)
  Giáo sư Ngô Bảo Châu giao lưu với giảng viên và sinh viên Đại học Duy Tân (04/05/2017)
  “Kiểm định chất lượng giáo dục để khẳng định vị thế và sản phẩm đào tạo” (31/12/2016)
  Vinh danh 20 nhà khoa học tiêu biểu giai đoạn 1997-2017 (27/12/2016)
  MỘT HUYỀN THOẠI GIỮA ĐỜI THƯỜNG (22/12/2016)
  Hội nghị Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Duy Tân Lần thứ Nhất (20/01/2014)
  Đại học Cửu Long đến thăm và giao lưu học hỏi với Đại học Duy Tân (20/01/2014)
  Lễ Ký kết Hợp tác giữa Đại học Duy Tân và Viện Khoa học Vật liệu Quốc gia (20/01/2014)
  Đoàn Đại học Appalachian State đến thăm DTU (20/01/2014)
  Chuyến thăm của Đoàn lãnh đạo Viện CNTT - Viện Hàn lâm Khoa học và Công Nghệ Việt Nam (20/01/2014)
Trang chủ | Thông điệp | Thành viên | Quan điểm chủ đạo | Hoạt động của HĐQT | Liên hệ
© 2024 Đại học Duy Tân. Thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ Phần mềm.