LTS: Để có những mùa Xuân độc lập tự do, người Việt Nam hãnh diện và tự hào về non sông gấm vóc đã mãi mãi thuộc về ta, khắp nơi nơi reo vang lời ca thái hòa; dân tộc ta đã từng trải qua những mùa Xuân cả nước cùng đánh giặc. Tinh thần "đường nào vui hơn đường ra trận mùa Xuân” vẫn vang vọng mãi đến bây giờ... Nhớ lại những tháng năm cả nước đánh Mỹ, có một phong trào đã để lại dấu ấn sâu đậm trong sử sách với bao chiến công vang dội. Phong trào ấy đánh giặc bằng tinh thần ái quốc mãnh liệt và nung nấu ý chí giành lại sự thống nhất của một Việt Nam tự chủ, không lệ thuộc ngoại bang.
Đó là phong trào tranh đấu của HSSV trong lòng các đô thị miền Nam trong thời kỳ đánh Mỹ (1960-1975). Một phong trào sục sôi nhất, phong trào bị đàn áp đẫm máu nhất, nhưng đó cũng là giai đoạn vẻ vang của thế hệ HSSV lúc bấy giờ.
Trong năm 2012, lần đầu tiên, một hội thảo có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về Phong trào "Xuống đường, đập tan mọi xích xiềng” của HSSV các thành thị miền Nam, trong đó tiêu biểu nhất là Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn (do Khoa Xã hội & Nhân Văn Đại học Duy Tân chủ trì, kéo dài trong 2 ngày) sẽ diễn ra tại Đà Nẵng. Đây cũng là chuỗi các hoạt động nối dài tiếp theo, sau khi công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ về Phong trào HSSV trong lòng đô thị miền Nam được khởi động từ năm 2011 với kinh phí đầu tư thực hiện đến 2 tỷ đồng.
Đầu Xuân Nhâm Thìn, nhà giáo Lê Công Cơ – Chủ tịch HĐQT, Q.Hiệu trưởng Đại học Duy Tân, đơn vị đăng cai tổ chức hội thảo và chủ trì thực hiện công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ về phong trào HSSV trong lòng đô thị miền Nam tâm sự xung quanh sự kiện này:
Nhà giáo Lê Công Cơ và học trò
Anh em chúng tôi (những người tham gia phong trào trong Tổng Đoàn HS Đà Nẵng, Huế) rất tâm huyết và nhiều lần muốn có một bộ sử thật hoàn chỉnh về phong trào.
Vào những năm 1983-1985, tôi và các anh Cao Tiến Lê, Phan Tứ, Hoàng Minh Nhân, Thu Bồn, Nguyễn Khắc Phục... đã làm được rất nhiều việc để viết lại sử, tái hiện lại phong trào. Chúng tôi tổ chức trại sáng tác, tổ chức những đợt đi nói chuyện, hát - đọc thơ làm sống lại một thời phong trào "Những đêm không ngủ”, "Hát cho đồng bào tôi nghe”, sinh hoạt giao lưu với các chứng nhân của phong trào ở các địa phương suốt từ Huế đến tận Phú Yên. Tuy nhiên như đã nói, do nhiều lý do, trong đó có chủ trương chưa tổng kết phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, đặc biệt là phong trào HSSV trong lòng đô thị miền Nam, nên rồi những tâm huyết nung nấu của anh em chúng tôi mai một dần.
Một thực tế khách quan khác, một số anh em tham gia phong trào, do hoàn cảnh, do nhiệm vụ hoạt động trong nội thành đã được tổ chức giao lúc đó, khi hòa bình, đã gặp phải những nghi kỵ, ngờ vực. Nhiều chứng nhân sau này, gần như, đã sống khép mình. Đây là điều thật sự xót xa.
Trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc chúng ta, phong trào tranh đấu ngay trong lòng đô thị, đã có những lúc bị địch khủng bố trắng, tàn sát đẫm máu với ý đồ xóa sạch nhân tố cách mạng, nhân tố cộng sản; phong trào đã phải sống nhờ vào dân, thậm chí tranh thủ cả những binh sĩ, sĩ quan tiến bộ trong lực lượng địch mà bảo tồn, gây dựng lại lực lượng rồi mới đánh trả lại địch.
Một số anh em do hoàn cảnh lịch sử đó, đã phải bắt tay làm thân với địch mà làm tốt công tác binh vận, địch vận. Xanh vỏ nhưng đỏ lòng, đó là hình ảnh của HSSV tham gia phong trào. Số anh chị em này về sau nhiều người đã rơi vào tình huống rất bi kịch.
Những điều đó khiến công tác tập hợp tư liệu, tài liệu (rất quý giá) không được như mong muốn.
Chính tôi hồi Huế mới giải phóng (tháng 3-1975) đã nghĩ đến việc tái hiện lại những thước phim lịch sử về phong trào. May mắn sao các anh ở Hà Nội nhận lời. Chúng tôi lên kịch bản rồi tổ chức tái hiện lại cảnh HSSV xuống đường, chiếm và làm chủ Đài Phát thanh (của ngụy quyền) ở Huế. Háo hức và hạnh phúc lắm.
Đùng một cái, anh em chúng tôi bị chụp mũ là "tổ chức và tập dượt HSSV biểu tình chống Đảng”. Người phát ngôn là một đồng chí có chức vụ trong Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế. Đoàn làm phim nghe vậy không làm nữa. Tôi cũng không muốn dây dưa phiền phức cho mình. Thế là thôi, không nghĩ đến chuyện viết sử - làm phim về phong trào nữa.
Một lần khác, khoảng chừng 1983-1985, tôi bắt tay trở lại với công việc sưu tập tư liệu. Tâm niệm làm một con ong cần mẫn, trả món nợ mình đã hứa mà chưa thực hiện, cuối cùng tôi đã xây dựng được 8 ngàn trang tư liệu quý về phong trào.
Toàn bộ những trang ghi chép sống động. Người thật – Việc thật – biết bao sự kiện hiện lên ngời ngời và nhiều sự kiện này đã được sử sách ghi nhớ, dù dài, dù ngắn về cuộc đấu tranh, giữa một bên là nhà cầm quyền tay sai hung bạo, sau lưng họ là những ông trùm tình báo, mật vụ Mỹ sẵn sàng ra lệnh tra tấn đến chết, thủ tiêu anh chị em tham gia phong trào (và cả người thân của họ).
Một bên là những HSSV không có gì trong tay ngoài tấm lòng yêu nước, yêu tự do vô bờ bến... Tập tư liệu quý giá vô cùng đó, tôi đã bàn giao cho những người có trách nhiệm.
Hoài vọng của tôi là được xuất bản thành kỷ yếu hay lịch sử phong trào để các thế hệ mai sau còn biết đến. Thế nhưng về sau tôi mới hay, tập tài liệu đó đã được xếp vào mớ giấy vụn cần dọn dẹp thanh lý vào dịp tổng vệ sinh công sở.(!)
Tôi muốn nói thêm một điều, tuy tưởng chừng đơn giản, chẳng có gì là khúc mắc, vậy mà sao trong thực tế lại có trở thành trở lực vô hình gây ra biết bao khó khăn.
Nhà giáo Lê Công Cơ - người đầu tiên, hàng đầu, từ bên phải sang,
cùng các văn nghệ sĩ chụp tại chiến khu Trị Thiên Huế năm 1959
Sau lưng những anh chị em là người của phong trào còn có cha-mẹ-anh chị em-bạn trai, bạn gái và những người thân khác. Những hy sinh hay những oan khiên của họ chả lẽ cứ mãi để vậy sao?. Sự thật phải lên tiếng, công bằng phải được trả lại cho những người đã không tiếc máu xương để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc.
Trong tôi và nhiều anh chị em cốt cán của phong trào ngày ấy vẫn cứ dằn vặt – nhất là với những người đã khuất, việc nghiên cứu đầy đủ tiến đến tổng kết phong trào này dứt khoát phải được thực hiện. Thậm chí, nếu có điều kiện nâng tầm thành một công trình khoa học.
Bản thân tôi từ khi bắt tay xây dựng Đại học Duy Tân (năm 2000) đã sớm nghĩ đến rồi bàn bạc và sau đó, HĐQT chúng tôi thống nhất: Hằng năm sẽ dành một khoản kinh phí sự nghiệp để hoàn thành bộ sử về phong trào. Và sau nhiều năm tích lũy, đến nay, chúng tôi đã có điều kiện để thực hiện mơ ước này.
Về phương pháp luận nghiên cứu, ở công trình lần này, chúng tôi cố gắng bổ sung thật hoàn chỉnh, tái hiện toàn cảnh và đầy đặn nhất về phong trào HSSV trong lòng đô thị miền Nam ở các đô thị lớn. Bắt đầu tại Huế, lan vào Đà Nẵng và cao trào tại Sài Gòn với các hình thức đấu tranh đầy sáng tạo, táo bạo. Các chiến công hiển hách của phong trào từ làm chủ đô thị suốt mấy chục ngày đêm; tham gia chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Xuân 1975... gắn liền với những tên tuổi, những chứng nhân cụ thể.
Công trình hy vọng sẽ tổng kết khá đầy đủ đóng góp của phong trào vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, tri ân những người đã ngã xuống. Lần này tham gia vào công trình, có thể nói, đó là một lực lượng khá hùng hậu, đông đủ nhất từ trước đến nay. Các đại diện tiêu biểu, thủ lĩnh của phong trào trong từng giai đoạn lịch sử tại các đô thị miền Trung, miền Nam đều có mặt.
Khi được Đảng giác ngộ và tham gia cách mạng, những năm tháng lãnh đạo phong trào HSSV, tôi đã cùng anh chị em giương cao ngọn cờ đấu tranh cho một Việt Nam thống nhất, Việt Nam độc lập không lệ thuộc ngoại bang; đấu tranh trực diện với cường quyền, đấu tranh cho dân chủ, đấu tranh vì những người bị áp bức và mơ về một xã hội không có người dân nào chịu đói nghèo, thua thiệt. Khát vọng, hoài bão, mục tiêu phấn đấu càng nhiều, thì trăn trở trong tôi cũng càng lớn dần theo. Trăn trở lớn nhất của đời tôi, trăn trở cho đến tận bây giờ vẫn là những trăn trở về dân sinh, về công bằng xã hội.
Tôi nghĩ rằng, chúng ta đã thiếu thoả đáng và không kịp thời trong chế độ chính sách đối với một bộ phận trong những người có công với dân, với nước. Trong đó, đối với phong trào HSSV, nhiều anh chị em cho đến nay vẫn có nhiều người chưa được ghi nhận công trạng gì. Số khác, như tôi đã tâm sự, hoặc bị nghi kỵ, hoặc bị lãng quên. Việc đền ơn, đáp nghĩa của chúng ta dù đã cố gắng rất nhiều, vẫn còn không ít thiếu sót. Tôi vẫn mang nặng tâm trạng của người mắc nợ đối với anh em, đồng chí, bạn bè đã cùng mình xông pha dưới làn đạn, coi thường sự đàn áp, khủng bố đẫm máu của quân thù.
Một trăn trở nữa của tôi, là làm sao truyền được lửa cho thế hệ trẻ hôm nay. Bởi chất lửa đó thiêng liêng lắm. Nó được thắp lên, được gìn giữ và mỗi ngày càng nóng hơn, tỏa sáng hơn lên bởi trong lửa có máu, có xương của ông cha. Có lẽ thời gian qua, chúng ta xem nhẹ việc giữ lửa và truyền lửa vì thế mà xã hội đã nảy sinh những vấn đề phức tạp và nhức nhối.
Lớp trẻ chúng ta hôm nay chưa được tiếp lửa thường xuyên, bên cạnh đó, các em đã phải chứng kiến sự tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ có chức có quyền. Hiểu ở một góc độ nào đó, chúng ta đã và đang vô tình đánh mất một thế hệ cán bộ, một nguồn lực lớn. Đó là thế hệ cán bộ không qua tôi luyện, thử thách. Còn về nguồn lực, chúng ta đang đối mặt với một nguồn nhân lực thiếu đam mê, mờ nhạt ý chí phấn đấu và chưa xác định lý tưởng sống, xác định phải tận tụy cống hiến cho Tổ quốc như thế nào.
Trăn trở muôn thở của tôi là phải dạy sao cho lớp trẻ hôm nay biết sống đúng mực và nâng niu, trân trọng, tự hào về quá khứ đấu tranh dựng và giữ nước vẻ vang của dân tộc. Nếu các em ý thức được, sau này, các em sẽ không làm điều gì có lỗi với quá khứ.
Tôi và nhiều anh em, thầy cô giáo rất hy vọng vào cuộc chỉnh đốn, xây dựng Đảng lần này (theo tinh thần NQ HNTƯ IV khóa XI). Đảng ta phải tạo dựng lại niềm tin trong nhân dân, trong giới tri thức. Thông qua cuộc vận động, Đảng và đội ngũ đảng viên sẽ làm trong sạch, vững mạnh tổ chức Đảng. Có như vậy người lớn chúng ta mới trở thành tấm gương soi sáng ngời cho lớp trẻ.
Trần Ngọc (ghi)
|