Nhà xuất bản Trẻ đang gấp rút hoàn tất những công đoạn cuối cùng để xuất bản 5 tập sách đầu tiên về Phong trào Học sinh Sinh viên (HSSV) trong lòng đô thị miền Nam. Cũng trong năm nay, lần đầu tiên, một hội thảo có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về Phong trào “Xuống đường, đập tan mọi xích xiềng” của các thành thị miền Nam, trong đó tiêu biểu nhất là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn sẽ được tổ chức (kéo dài trong 2 ngày) tại Đà Nẵng.
Các hoạt động trên là chuỗi nối dài tiếp theo, sau khi công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ về Phong trào HSSV trong lòng đô thị miền Nam được khởi động từ năm 2011 với kinh phí đầu tư thực hiện đến 2 tỉ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên, một phong trào đấu tranh yêu nước có quy mô lớn, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cục diện cuộc kháng chiến chống Mĩ và chế độ tay sai của nhân dân ta; một phong trào vì độc lập, tự do của tổ quốc; vì dân quyền, dân sinh và công bằng xã hội diễn ra dưới thời miền Nam bị tạm chiếm trở thành đối tượng nghiên cứu khoa học.
Nhà giáo Lê Công Cơ-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, quyền Hiệu trưởng ĐH Duy Tân
Chúng tôi có buổi trò chuyện với nhà giáo Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, quyền Hiệu trưởng trưởng Đại học Duy Tân, đơn vị đăng cai tổ chức hội thảo và chủ trì thực hiện công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ về Phong trào HSSV trong lòng đô thị miền Nam.
Thưa Thầy, cơ sở nào để Phong trào HSSV trong lòng các đô thị miền Nam trước năm 1975 được đặt ở vị trí là đối tượng nghiên cứu khoa học và được đầu tư thực hiện hết sức công phu, bài bản?
Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, với mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng ta đề ra chiến lược 2 chân (đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị); 3 mũi (vừa đấu tranh vũ trang, vừa đấu tranh chính trị, vừa tiến hành dân vận - địch vận).
Đến nay, chúng ta gần như đã tổng kết xong mũi đấu tranh vũ trang. Hình ảnh chiếc xe tăng quân Giải phóng húc nhào cánh cổng dinh Độc Lập có thể xem là biểu tượng tuyệt vời của chiến thắng vũ trang. Chúng ta cũng đã tổ chức tổng kết, đánh giá và xuất bản nhiều công trình to lớn mang tầm chiến lược và nghệ thuật đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mĩ, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, một tổng kết đầy đủ về phong trào đấu tranh chính trị, trong đó Phong trào HSSV trong lòng các đô thị ở miền Nam như một điển hình của tinh thần ái quốc mãnh liệt trong giới trí thức và thế hệ trẻ thì lại chưa được tiến hành do nhiều lí do khác nhau.
Dù ai ai cũng biết, chính phong trào đấu tranh quần chúng đã châm ngòi cho đấu tranh chính trị và tác động mạnh mẽ đến diễn biến của cuộc chiến. Đồng chí Võ Chí Công từng phát biểu về các lực lượng cùng ra trận trong những tháng năm ấy và làm nên chiến thắng hiển hách: “Ngọn cờ Phật giáo - Ngòi pháo Sinh viên - Trung kiên Lao động”.
Ngay từ những năm 1954 - 1975, phong trào đấu tranh của HSSV ở các đô thị miền Nam đã diễn ra rất sôi nổi, HSSV tham gia các cuộc xuống đường đòi hòa bình cho Việt Nam, đòi phải thực hiện đúng như những gì Hiệp định Genéve đã kí kết. Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương được xem là nơi khởi phát phong trào sớm nhất. Vào thời điểm năm 1963, những cuộc xuống đường với sự tham gia của đông đảo nữ sinh trường Đồng Khánh, Quốc Học (Huế). Từ đây, ngọn lửa đấu tranh của HSSV lan nhanh đến các thành thị khác ở miền Nam.
Không chỉ đấu tranh chính trị, biểu tình đòi độc lập dân tộc, đòi thống nhất; phản đối sự hà khắc của chế độ gia đình trị (dưới thời Ngô Đình Diệm); phản đối các trò mị dân, bán nước, cố tình kéo dài sự xâm lược của ngoại bang lên lãnh thổ nước ta (dưới thời chế độ Ngụy quyền Sài Gòn từ Nguyễn Khánh đến Nguyễn Văn Thiệu); chống đàn áp, bắt bớ… Từ hình thức ban đầu là các khẩu hiệu hoặc tuyệt thực để phản đối nhà cầm quyền, dần dần phong trào chuyển sang các hình thức và nội dung tích cực hơn, quyết liệt hơn. Lực lượng HSSV đã tham gia đưa bộ đội vào nội thành trong các trận đánh có tính quyết định hay chiến dịch lớn, nhất là Xuân Mậu Thân. Đặc biệt, từ yêu cầu diệt mật báo - diệt ác ôn, từ phong trào HSSV tranh đấu, một đơn vị đã làm kẻ thù phải kinh hoàng được ra đời: Lực lượng Biệt động nội thành.
Với ý nghĩa trên, tôi và các nhân chứng của phong trào may mắn vẫn còn sống đến hôm nay; giới nghiên cứu, giới khoa học lịch sử; những người làm công tác giáo dục - đào tạo luôn đau đáu đến việc phải cố gắng tổng kết thật đầy đủ phong trào. Lần này, anh em chúng tôi mãn nguyện, bởi đây là một công trình khoa học nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá hết sức khách quan và toàn diện về một phong trào đấu tranh yêu nước.
Đã có nhiều công trình ở các quy mô khác nhau viết, nghiên cứu về phong trào, công trình nghiên cứu khoa học lần này có gì khác trong cách đặt vấn đề và phương pháp luận nghiên cứu?
Thực ra lâu nay đã có rất nhiều công trình ở nhiều quy mô khác nhau về phong trào và chính anh em chúng tôi - những người tham gia phong trào HSSV - cũng rất tâm huyết muốn có một bộ sử thật hoàn chỉnh về phong trào.
Vào những năm 1983 - 1985, tôi và các anh Cao Tiến Lê, Phan Tứ, Hoàng Minh Nhân, Thu Bồn, Nguyễn Khắc Phục… đã làm được rất nhiều việc để viết sử, tái hiện lại phong trào. Anh em chúng tôi tổ chức trại sáng tác, tổ chức những đợt nói chuyện, hát - đọc thơ làm sống lại một thời phong trào “Hát cho đồng báo tôi nghe”, sinh hoạt giao lưu với các chứng nhân của phong trào ở các địa phương suốt từ Huế đến tận TP.HCM. Một số tác phẩm đã ra đời trong giai đoạn này. Tuy nhiên như đã nói, do nhiều lí do, trong đó có chủ trương chưa tổng kết phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, đặc biệt là phong trào HSSV trong lòng đô thị miền Nam, nên những tâm huyết nung nấu của anh em chúng tôi mai một dần.
Thưa Thầy, công trình đã được tiến hành từ khi nào? Và dự kiến thời gian nào sẽ kết thúc? Xin thầy cho biết tham gia công trình gồm những ai?
Như đã nói, tôi rất đau đáu với trách nhiệm của mình. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi đã bắt tay vào thực hiện bằng nhiều cách. Tuy nhiên, có thể nói do điều kiện khách quan, lẫn tâm trạng riêng chưa cho phép tôi bắt tay vào việc này một cách nghiêm túc. Cho đến lần này, mọi ước muốn mới được triển khai trọn vẹn.
Công trình được triển khai từ 2010, nếu hoàn thành đồng bộ thì đến cuối năm 2013 mới kết thúc.
Thưa Thầy, sau khi hoàn tất quá trình bảo vệ, công trình sẽ được xuất bản như thế nào? Với một công trình có giá trị như vậy, Thầy và Ban Biên soạn dự kiến sẽ giúp thế hệ trẻ hôm nay tiếp cận công trình qua kênh nào?
Khoảng tháng 3 này, Nhà xuất bản Trẻ cho giới thiệu 5 tập đầu tiên tập hợp những hồi kí, bút kí của những người trong cuộc. Người thật, việc thật những tập sách này sẽ tái hiện sống động cuộc đấu tranh anh dũng ngày nào của các thế hệ HSSV trong giai đoạn đất nước bị chia cắt. Sau 5 tập này, kế hoạch xuất bản sách về phong trào vẫn được tiếp tục, chúng tôi dự định sau hội thảo (diễn ra trong 2 ngày tại Đại học Duy Tân, Đà Nẵng) ngoài kỉ yếu (là các tham luận được trình bày tại hội thảo), sẽ có một tập sách mang tính tổng kết, nhìn lại toàn diện vấn đề.
Bên cạnh sách, chúng tôi còn làm phim về phong trào. Hãng phim Thanh Niên (thuộc Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên) đã bấm máy được nửa năm rồi. Với sự trợ giúp của các loại hình truyền thông (xem, đọc, nghe) chúng tôi tin rằng, công trình lần này sẽ giúp các bạn trẻ tiếp cận và cảm nhận được chất anh hùng ca mà thế hệ cha anh đã viết nên.
Hiện nay, tại Đại học Duy Tân, mỗi sinh viên ở bất kì ngành nào đều phải trải qua 64 giờ học về lịch sử, truyền thống. Chúng tôi lồng ghép giới thiệu cho các em lịch sử của các phong trào đấu tranh yêu nước khi đất nước bị ngoại xâm, trong đó có phong trào của HSSV.
Một điều đáng mừng, đó là 3 nghiên cứu sinh trẻ của trường đã chọn các đề tài liên quan đến phong trào của HSSV trong lòng đô thị miền Nam để triển khai thành luận án Tiến sĩ. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Duy Tân vẫn tiếp tục triển khai các đề tài trong kế hoạch. Việc nghiên cứu về phong trào như không hề có điểm dừng, mỗi lúc chúng tôi và chúng ta lại phát hiện thêm nhiều điều mới lạ, kì diệu. Cuộc đấu tranh vệ quốc của dân tộc ta chính vì thế, thật vĩ đại vô cùng.
Xin Thầy cho biết, là một trong những người trực tiếp tham gia và sau đó là lãnh đạo phong trào, cho đến hôm nay, điều gì còn đọng lại trong Thầy về một thời trai trẻ oanh liệt và ngoan cường, sẵn sàng xả thân, không tiếc máu xương cho độc lập, tự do của đất nước?
Tôi may mắn được giác ngộ và tham gia cách mạng khá sớm. 12 tuổi đã biết thế nào là hoạt động, là nhận nhiệm vụ của trên giao và xác định dù có hi sinh cũng phải hoàn thành công tác của Đảng giao.
Tôi cũng may mắn được hoạt động ở nhiều địa bàn như Sài Gòn (1954 - 1960), Huế và các tỉnh miền Trung (1963 - 1975), trong đó những năm 1963, 1968, 1971 và 1972, Đảng tin tưởng giao tôi trọng trách lãnh đạo phong trào HSSV. Tháng năm sục sôi nhiệt huyết đó mang tôi đi qua nhiều kỉ niệm vui - buồn - hạnh phúc - đắng cay. Xây dựng xong cơ sở, phong trào được dấy lên - VUI. Thoát li ra bưng, nghe tin địch đàn áp, khủng bố, anh em cơ sở người còn sống phải trốn tránh, số anh em bị địch bắt tra tấn rồi thủ tiêu - BUỒN, MẤT MÁT. Mà đâu chỉ chính anh chị em đó hi sinh, chịu đòn thù dã man, người thân của họ cũng bị liên lụy, bị tra tấn, bị tù đày.
Đi cùng cuộc kháng chiến bi tráng của dân tộc, xin Thầy cho biết, điều gì ngày ấy Thầy thường trăn trở và cho đến hôm nay vẫn mãi trăn trở? Thầy có mang trăn trở ấy vào lời kêu gọi chấn hưng giáo dục hôm nay?
Khi được Đảng giác ngộ và thoát li tham gia cách mạng, những năm tháng lãnh đạo phong trào HSSV, tôi đã cùng anh chị em giương cao ngọn cờ đấu tranh cho một Việt Nam thống nhất, Việt Nam độc lập không lệ thuộc ngoại bang; đấu tranh trực diện với cường quyền, đấu tranh cho dân chủ, đấu tranh vì những người bị áp bức và mơ về một xã hội không có người dân nào chịu đói nghèo, thua thiệt. Khát vọng, hoài bão, mục tiêu phấn đấu càng nhiều, thì trăn trở trong tôi cũng càng lớn dần theo.
Trăn trở lớn nhất của đời tôi cho đến tận bây giờ vẫn là những trăn trở về dân sinh, về công bằng xã hội. Tôi nghĩ rằng, chúng ta đã thiếu thỏa đáng và không kịp thời trong chế độ chính sách đối cới những người có công với dân, với nước. Trong đó, đối với phong trào HSSV, nhiều anh chị em cho đến nay vẫn còn có nhiều người chưa được ghi nhận công trạng gì. Việc đền ơn, đáp nghĩa của chúng ta dù đã cố gắng rất nhiều, vẫn còn không ít thiếu sót. Tôi vẫn mang nặng tâm trạng của người mắc nợ đối với anh em, đồng chí, bạn bè đã cùng mình xông pha dưới làn đạn, coi thường sự đàn áp, khủng bố đẫm máu của quân thù.
Một trăn trở nữa của tôi, điều này, gắn với môi trường tôi đã và đang hoạt động (giáo dục - đào tạo), đó là làm sao truyền được lửa cho thế hệ trẻ hôm nay. Bởi chất lửa đó thiêng liêng lắm. Nó được thắp lên, được gìn giữ và mỗi ngày càng nóng hơn, sáng hơn lên bởi trong lửa có máu, có xương của ông cha. Có lẽ thời gian qua, chúng ta xem nhẹ việc giữ lửa và truyền lửa nên xã hội nảy sinh những vấn đề phức tạp và nhức nhối.
Biển không sóng, biển không còn là biển
Người không thử thách, người khó trưởng thành
Lớp trẻ chúng ta hôm nay chưa được tiếp lửa thường xuyên, bên cạnh đó, các em đã phải chứng kiến sự tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ có chức có quyền. Hiểu ở một góc độ nào đó, chúng ta đã và đang vô tình đánh mất một thế hệ cán bộ, một nguồn lực lớn. Đó là thế hệ cán bộ không qua tôi luyện, thử thách; còn về nguồn lực, chúng ta đang đối mặt với một nguồn nhân lực thiếu lửa đam mê, mờ nhạt ý chí phấn đấu và chưa xác định phải tận tụy cống hiến cho tổ quốc như thế nào?
Năm 2012 được xem là thời điểm khởi động quyết liệt nhất của yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện, mạnh mẽ nền giáo dục Việt Nam theo tinh thần Đại hội XI của Đảng, Thầy và Đại học Duy Tân sẽ tham gia “công cuộc đổi mới” này với những yêu cầu và chương trình hành động gì cụ thể?
Tôi cho rằng, đổi mới giáo dục không gì hơn là xây dựng một nền giáo dục lành mạnh, nền giáo dục đó dạy con người biết sống một cách xứng đáng với quá khứ.
Tôi và Hội đồng Quản trị, Hội đồng Đào tạo Đại học Duy Tân suy nghĩ mãi khi xây dựng mục tiêu hành động cho nhà trường. Cuối cùng thì thấy không gì hơn bằng xây dựng một mô hình đại học lớn mạnh bằng nghiên cứu thực nghiệm nhưng dứt khoát phải dựa trên nền tảng nhân văn. Chúng tôi quyết tâm đào tạo những kĩ sư, chuyên gia khoa học kĩ thuật giỏi, am tường kĩ thuật, nhưng các em cũng phải biết rung cảm, quặn thắt lòng trước nỗi đau của người khác. Bằng những nỗ lực để tạo nên một môi trường học tập và học thuật sôi nổi, chúng tôi quyết tâm đào tạo nên một thế hệ cán bộ khoa học kĩ thuật - khoa học nhân văn biết lấy trí tuệ của mình để giải quyết những vấn đề bức xúc của dân sinh.
Hội thảo, công trình nghiên cứu khoa học về phong trào tranh đấu của HSSV trong lòng đô thị miền Nam sắp diễn ra, với thái độ tri ân quá khứ, biết ơn những người đã ngã xuống và tiếp tục giữ lửa - truyền ngọn lửa tâm huyết ấy cho một thế hệ, chúng tôi mong rằng sẽ đóng góp ít nhiều vào tinh thần quyết liệt chấn hưng giáo dục; kể cả tiếp sức và ủng hộ cho NQ TƯ IV khóa XI đi vào thực tiễn.
Thế hệ chúng tôi được Đảng giác ngộ thông qua những cán bộ trung kiên, lấy mục đích - mục tiêu phụng sự dân tộc, phụng sự nhân dân làm kim chỉ nam cho lẽ sống. Trong bối cảnh hôm nay, tôi nghĩ rằng, vừa làm sáng tỏ và bảo tồn những giá trị vĩnh hằng của quá khứ oanh liệt do máu xương của bao người làm nên; vừa chỉnh đốn, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch - thật sự vững mạnh, điều đó rất có ý nghĩa, mang lại tác động rất thiết thực đối với sự nghiệp giáo dục nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn thế hệ trẻ.
Trân trọng cảm ơn nhà giáo Lê Công Cơ.
(Trần Ngọc thực hiện - Theo báo Phát triển Kinh tế - Xã hội)
|