Sau một thời gian chuẩn bị, Đại học Duy Tân và Nhà Xuất bản Trẻ (Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP. Hồ Chí Minh) đã tổ chức giới thiệu những ấn phẩm đầu tiên của Tủ sách truyền thống “Đáp lời sông núi”.
|
Những tác phẩm đầu tiên của Tủ sách đã ra mắt bạn đọc. - ảnh : T.Ngọc |
Sách làm ra không phải để trưng bày cho vui, hay để cất !
Nhà giáo Lê Công Cơ, Chủ tịch HĐQT, Q.Hiệu trưởng Đại học Duy Tân, một trong những tác giả của các tác phẩm trong tủ sách đã khẳng định như vậy hôm ra mắt tủ sách (đúng vào ngày Kỷ niệm 37 năm Giải phóng TP Đà Nẵng, 29 tháng 3 vừa qua).
|
Nhà giáo Lê Công Cơ (người đứng, đeo kính) và nhà văn-nhà báo Hồ Duy Lệ lần lượt ký tặng sách.
ảnh:T.Ngọc
|
Ông bày tỏ:
Chúng tôi mong mỏi rằng, Tủ sách truyền thống này sẽ góp phần khơi lên ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần cống hiến, phụng sự cho dân tộc, cho nhân dân của tuổi trẻ ngày hôm nay.
Thế hệ chúng tôi ngày trước, đi theo tiếng gọi của kháng chiến, dám xả thân vì độc lập, dám chết cho Tổ quốc tự do, là bởi chúng tôi đi theo tiếng gọi “làm cách mạng”, được Đảng giác ngộ. Bây giờ, trong bối cảnh như thế này, chúng ta lại càng phải nghĩ nhiều hơn đến việc giác ngộ, giáo dục, truyền lửa như thế nào cho lớp trẻ. Nếu để các cháu mất phương hướng, sống mà không có lý tưởng, hoài bão ; không thể hiện được khát vọng sống , không biết học để làm gì thì nguy lắm ! - Nhà giáo Lê Công Cơ nhấn mạnh
Trong dịp ra mắt tủ sách Đáp lời sông núi, Đại học Duy Tân và Nhà Xuất bản Trẻ đã giới thiệu các tác phẩm :
- Dưới ánh hỏa châu (hoài ký của Hoàng Phủ Ngọc Phan)
- Không có gì trôi đi mất (bút kỳ của Hồ Duy Lệ)
- Trên đỉnh thanh xuân (tiểu thuyết của Vũ Hoài)
và đặc biệt lần này, hồi ký Năm tháng dâng Người của tác giả Lê Công Cơ (Lê Phương Thảo) chính thức tái bản (lần xuất bản đầu tiên vào năm 2006)
So với kế hoạch, có một đầu sách chưa kịp ra mắt bạn đọc lần này, đó là hồi ký Thử thách và Chọn lựa (của tác giả Nguyễn Hữu Thái)
Tại buổi giới thiệu tủ sách, các tác giả Hồ Duy Lệ, Lê Công Cơ và các “chứng nhân lịch sử một thời”, những người đã trực tiếp tham gia phong trào tranh đấu chống ngoại xâm, đòi lại tự do, hòa bình và thống nhất Bắc Nam của một Việt Nam độc lập, cũng đã bày tỏ ước nguyện của mình khi cho ra đời những tác phẩm, những tâm huyết và hoài vọng khi xây dựng tủ sách truyền thống Đáp lời sông núi của Đại học Duy Tân.
“Chúng tôi đã lớn tuổi, sức khỏe ngày một yếu dần, chưa biết “Trời kêu lúc nào”, vậy không gì hơn, mong ước lưu lại những trang sử này. Thế hệ trẻ hôm nay thông qua đó mà xác định lý tưởng, hoài bão ; sống có trách nhiệm hơn với dân tộc, với đất nước- một chứng nhân của phong trào nói”.
|
Học sinh miền Nam (trước 1975) viết khẩu hiệu bày tỏ thái độ chống đối, phản kháng nhà cầm quyền tay sai và quân đội ngoại xâm. (ảnh tư liệu) |
Tái hiện những tháng năm oai hùng chống ngoại xâm, ngụy quyền !
Được biết, tủ sách truyền thống truyền thống Đáp lời sông núi là một trong những hạng mục chính của công trình khoa học nghiên cứu về Phong trào đấu tranh đô thị của HSSV miền Nam từ 1954 đến 1975. Theo kế hoạch sẽ có đến 30 đầu sách.
Đáp lời Sông Núi là 1 câu trong ca từ của bài hát Sinh viên hành khúc, sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.
Năm 1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong được thành lập, Bài hát cũng được thay đổi một chút và trở thành bài hát chính thức của tổ chức Thanh niên Tiền phong với tên gọi Tiếng gọi thanh niên hay Thanh niên hành khúc.
|
|
Các cơ quan truyền thông ghi hình những tác phẩm đầu tiên của Tủ sách truyền thống. -ảnh: T.Ngọc |
Tiếp theo sau việc ra mắt tủ sách này, vào 2 ngày 19 và 20/5/2012 tại Đà Nẵng, sẽ diễn ra hội thảo khoa học có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với chủ đề : “Nhìn lại Phong trào đấu tranh yêu nước của Thanh niên – Học sinh – Sinh viên đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975”.
Hội thảo sẽ do Khoa Xã hội & Nhân văn - Đại học Duy Tân phối hợp với Tạp chí Thế Giới Mới – Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức.
Được biết, các đồng chí Nguyễn Minh Triết (nguyên Chủ tịch nước), Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước) cùng nhiều nhân vật nổi tiếng của phong trào từ Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đà Lạt, TP.Hồ Chí Minh đã chính thức xác nhận sẽ có mặt tại hội thảo.
Ban Tổ chức cho biết, có khoảng 37 tham luận của các nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước; đặc biệt là những anh-chị trực tiếp tham gia và lãnh đạo phong trào đấu tranh yêu nước của Thanh niên – Học sinh – Sinh viên đô thị miền Nam.
Các tham luận này với các cứ liệu lịch sử chân thật, với “hồi ức sống động của những người trong cuộc”, sẽ góp phần làm rõ phong trào đấu tranh yêu nước nói trên đã giữ vai trò, vị trí như thế nào trong cuộc kháng chiến của dân tộc ; sự vĩ đại của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam và tập hợp các lực lượng dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và dân chủ nhân dân ; tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh dũng mãnh nhưng khôn ngoan, sáng tạo của lực lượng Thanh niên – Học sinh – Sinh viên đô thị miền Nam….
Tất cả đã đóng góp vào chiến thắng 30/4, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Lịch sử đất nước sang một trang mới.
Ngoài những mục đích ý nghĩa trên, chúng tôi không có mong ước gì lớn ngoài 2 nguyện vọng có thể nói là bao trùm: - Tri ân những đồng chí lãnh đạo, các Anh, các Chị đã lãnh đạo-chỉ đạo hoặc trực tiếp tham gia phong trào, nhưng hôm nay không còn nữa.
Và mong sao, hội thảo, những tập sách, kỷ yếu của hội thảo cùng những thước phim về phong trào (đã được Hãng phim Thanh niên bấm máy) sẽ góp phần vào việc giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay và thế hệ mai sau hiểu rõ về lịch sử vẻ vang của dân tộc, khí tiết anh dũng của cha, anh mà phát huy vai trò của mình trong giai đoạn cách mạng mới, đóng góp nhiều ơn cho quê hương, cho đất nước – nhà giáo Lê Công Cơ xúc động chia sẻ -
“Ngày trước chúng tôi đấu tranh vì độc lập dân tộc, bây giờ khái niệm đó, tinh thần đó đã cũ đâu – Chủ quyền của chúng ta vẫn đang bị đe dọa. Đảo của chúng ta, của nước Việt, vậy mà quốc gia khác lại ra tuyên ngôn đường lưỡi …. Để thôn tính thành của họ. Tôi cho rằng, thế hệ Trẻ hôm nay phải được giáo dục, được khơi dậy và nuôi dưỡng thường xuyên tinh thần ái quốc, niềm tự hào về dân tộc, về giá trị của chủ quyền đất nước. Bởi các em chính là chủ nhân của non sông này mà !.- ông Cơ nói”
Thanh Nhã – Thanh Liêm thực hiện
|