Hai ngày 19, 20-5, tại hội trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) diễn ra Hội thảo quy mô lớn “Nhìn lại phong trào đấu tranh yêu nước của thanh niên – sinh viên – học sinh – trí thức và văn nghệ sĩ giai đoạn 1954-1975”.
|
HSSV miền Nam tranh đấu. Ảnh: TL. |
Một cuộc hội ngộ cảm động và hiếm hoi của những người một thời là thủ lĩnh, hạt nhân nòng cốt trong phong trào tuổi trẻ tranh đấu tại các đô thị miền Nam đầy mất mát hy sinh và quả cảm, hào hùng...
1. “Nhớ còn sống để trở về nghe !”
Lê Công Cơ, bí danh thời hoạt động là Phương Thảo – nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết “Học phí trả bằng máu” của nhà văn Nguyễn Khắc Phục từng gây xôn xao một thời.
Tôi quen ông đã lâu, cũng từng có bài viết về cuộc đời đặc biệt của ông. Nhiều lần gặp, chưa nguôi chuyện về trường lớp, về sự dạy, sự học thời nay của người giữ cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm quyền Hiệu trưởng Đại học Duy Tân, ông đã hồi ức về bạn bè đồng đội một thời tranh đấu, với tâm nguyện làm một cái gì đó.
“Cái gì đó”, chính là đứng ra tổ chức cuộc hội ngộ anh em từ Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Cần Thơ…, mà ông gọi đó là cuộc gặp lại của những con người một thời Sống Đẹp. Cuộc mà sau này nếu tổ chức chắc chắn sẽ thiếu vắng rất nhiều anh em, vì tuổi cao, vì thương tật những năm tháng tù đày, tra tấn…
Để rồi từ đây, qua hội thảo, sẽ cho ra một công trình khoa học bề thế về tầm vóc, ý nghĩa của phong trào HSSV trong lòng đô thị miền Nam, trên cơ sở những tác phẩm, bài viết của chính những người trong cuộc…
Ngay trong lời khai mạc, khi giới thiệu sự có mặt những tên tuổi lẫy lừng Nguyễn Thị Bình, Lê Quang Vịnh, Huỳnh Tấn Mẫm…, người một thời trả học phí bằng máu dừng lại ở vị khách mời cao tuổi nhất là thầy giáo Nguyễn Thúc Tuân ở Huế, nay đã tròn 100 tuổi.
Dòng hồi ức bỗng bất ngờ, xúc động, ông thốt lên câu nói một thời: “Nhớ còn sống để trở về nghe! Cố gắng đừng chết nghe!”. Thầy Tuân là thầy giáo kháng chiến cũ, cũng là thân phụ của liệt sĩ Nguyễn Thúc Lư.
Năm 1962, Chủ tịch Hội Liên hiệp SV-HS giải phóng miền Trung Lê Công Cơ ra Huế mở rộng phong trào. Nguyễn Thúc Lư, sinh viên Đại học Khoa học Huế trở thành hạt giống của phong trào và nhanh chóng trưởng thành.
|
Ông Lê Công Cơ (bên trái) gặp lại đồng đội xưa . |
Những lần chia tay nhau đi cơ sở, anh em đều bịn rịn thốt lên câu nói ấy. Năm 1972, đường dây bị đánh phá ác liệt.
Lần ấy, 3 người gồm Ngô Yên Thi (sau này là Bí thư Tỉnh ủy TT-Huế) – Nguyễn Thúc Lư và Lê Công Cơ chia tay nhau, người về Truồi – Phú Lộc, người đi Hương Trà, người vào Phú Bài – Hương Thủy, câu nói ấy cũng được thốt ra. Nhưng rồi sau đó Nguyễn Thúc Lư hy sinh với trái lựu đạn trên tay chia cái chết cho kẻ thù.
2. “Sợ còn hơn Vi-xi”
|
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cùng ông Huỳnh Tấn Mẫm (ngoài cùng bên trái) và những thủ lĩnh phong trào tranh đấu HSSV một thời. |
Bên hành lang lúc giải lao, BS. Huỳnh Tấn Mẫm trò chuyện với một số nhà báo và sinh viên với phong thái dung dị, cởi mở.
Nhiều bạn sinh viên có thể không biết đó chính là thủ lĩnh phong trào TNHSSV Sài Gòn một thời cùng các đồng đội tạo tiếng vang như trái phá khắp năm châu.
Đặc biệt là việc tổ chức thành công Đại hội sinh viên thế giới lần đầu tiên chống Mỹ phản đối chiến tranh ngay tại Sài Gòn.
Được bầu làm Chủ tịch Tổng hội sinh viên (THSV) Sài Gòn cuối năm 1969, thì đến tháng 3-1970, chàng sinh viên Y khoa Huỳnh Tấn Mẫm bị chính quyền bắt giữ cùng 30 HSSV khác.
|
Lễ ra mắt Đoàn HSSV quyết tử Đà Lạt. Ảnh: TL. |
Lập tức, phong trào đấu tranh đòi thả Huỳnh Tấn Mẫm cùng các sinh viên nổ ra mạnh mẽ khắp Sài Gòn, lan rộng khắp Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Cần Thơ…, không chỉ trong giới TNHSSV, mà còn có các tôn giáo, các đoàn thể chính trị, trí thức, người lao động…
Đặc biệt là trí thức, sinh viên tại Mỹ và nhiều nước. Cũng từ vụ án này, hơn 100 tổ chức quốc tế ra tuyên cáo gửi về Việt Nam ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của TNHSSV và nhân dân Việt Nam.
Trước áp lực mạnh mẽ, gần 4 tháng sau chính quyền Sài Gòn phải “tạm tha” Huỳnh Tấn Mẫm và các sinh viên, cấp trả trụ sở Tổng hội sinh viên, trả lại Tiếng nói SVHS trên đài phát thanh Sài Gòn.
Ngay lập tức, vượt qua sự giám sát ngăn chặn ngặt nghèo của chính quyền, một Đại hội thanh sinh viên thế giới cùng hội thảo với chủ đề “Sinh viên thế giới và Hòa bình Việt Nam” được Tổng hội sinh viên Sài Gòn kết nối tổ chức tại chùa Ấn Quang và Đại học Nông Lâm Súc.
Sự kiện diễn ra trong hai ngày 10 và 11-7-1970, thu hút hàng ngàn sinh viên học sinh và các tầng lớp nhân dân, tôn giáo. Chủ tịch Tổng hội sinh viên Hoa Kỳ Charles Palmer dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ, trong đó có Sam Brown, Ronald Young, những người trước đó từng tổ chức các cuộc biểu tình lớn nhất tại Washington đòi Tổng thống Nixon chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.
Tham dự còn có Chủ tịch Tổng hội sinh viên các nước Úc, Hà Lan, New Zealand, các linh mục đại diện Liên tôn thế giới… Đặc biệt là sự có mặt của GS. George Wald (Đại học Harvard, Mỹ) – người đạt giải thưởng Nobel Y khoa về sinh học năm 1967.
Chủ tọa phía Việt Nam có Nguyễn Văn Quỳ (cựu Chủ tịch THSV SG), Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi (Chủ tịch Tổng đoàn Học sinh SG), Nguyễn Hoàng Trúc (Tổng thư ký THSV SG). Hạ Đình Nguyên (Chủ tịch Ủy ban Phối hợp hành động SVHS miền Nam)...
Đại hội kết thúc bằng một cuộc xuống đường diễu hành rầm rộ trên đường phố, khiến chính quyền Sài Gòn hoảng sợ thẳng tay đàn áp bằng vòi rồng, lựu đạn cay, dùng cả trực thăng bắn lựu đạn lửa xuống đám đông. Nhiều sinh viên bị thương. Đại diện các phái đoàn quốc tế thì bị bắt và trục xuất về nước…
“Người Mỹ khi ấy cho rằng phong trào đấu tranh của HSSV còn “nguy hiểm hơn Việt Cộng”, như phong trào đốt xe Mỹ giữa ban ngày để biểu thị thái độ về việc lính Mỹ bắn chết học sinh Nguyễn Văn Minh ở Quy Nhơn”, người cựu thủ lĩnh một thời nhớ lại.
3. Một Đi
|
Ông Lê Quang Vịnh (bên trái) – tấm gương tranh đấu bất khuất hội ngộ cùng đồng đội cũ. |
Tại hội trường, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan (cũng chính là cây bút trào phúng nổi danh Hoàng Thiếu Phủ) không ngồi một chỗ, mà lững thững chụp hình những bạn bè một thời.
Tôi sực nhớ tới câu chuyện ông kể trong cuốn “Dưới ánh hỏa châu” mà ông gọi là hoài ký vừa ra mắt, nằm trong Tủ sách truyền thống “Đáp Lời Sông Núi” do Đại học Duy Tân phối hợp với NXB Trẻ TP HCM thực hiện về đề tài đấu tranh đô thị.
Chuyện kể về một cậu học sinh nhảy núi, lấy bí danh là Một Đi. Nhiều lần bị kiểm điểm phê bình vì phong cách tự do, lãng tử mang lý tưởng anh hùng cá nhân, cuối cùng Một Đi đòi về lại nội thành.
Chỉ huy đơn vị lúc ấy là anh Lê Quang Lộc (bí danh Sáu Ngọc) – từng là sinh viên Văn khoa Sài Gòn. Một Đi quyết ra đi, can ngăn không được, để bảo vệ bí mật tổ chức trước nguy cơ “chiêu hồi” của chàng lãng tử, chiến sĩ bảo vệ (người miền Bắc) xin ý kiến chỉ huy cho phép “bắn hạ” nếu anh ta bỏ đi được mấy chục thước!
Nhưng anh Sáu Ngọc đưa tay chặn mũi súng. Bởi ở đây, anh hiểu rõ một thanh niên thành thị miền Nam như Một Đi hơn ai hết.
Quả nhiên, chỉ một lúc sau, Một Đi đã hớn hở quay trở lại đơn vị, để từ đó trở thành một cán bộ vững vàng, kiên định. Sáu Ngọc sau đó hy sinh tại cửa ngõ Sài Gòn ngày 14-4-1975.
Còn Một Đi sau này là cán bộ một phường ở quận 10 TP HCM. “Làm công tác nội thành phải sáng suốt đề cao cảnh giác nhưng phải thoáng và có tấm lòng nhân hậu như anh mới nhận ra được cái ranh giới mong manh giữa ta, bạn, thù… Ngọc tuy vỡ, nhưng chất ngọc trong anh còn mãi – còn quý hơn những thứ “ngói lành” như tụi mình, phải không ?”, Một Đi sau này tâm sự.
Một lúc, ngồi với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan tại góc cà phê. Hỏi ông về nỗi hàm oan suốt mấy chục năm liên quan đến sự kiện Mậu Thân mà ông cùng anh ruột là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường phải chịu tiếng bởi sự rêu rao của bộ máy tuyên truyền chế độ cũ.
Thoáng chút trầm tư, ông bày tỏ: “Khi ấy ở miền Nam xảy ra hai vụ giết người ghê rợn, là vụ tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn tù binh giữa Sài Gòn, và vụ thảm sát Sơn Mỹ. Bởi vậy, địch dựng cái vụ cách mạng, trong đó có anh em tôi “thảm sát” dân thường Huế trong sự kiện Tết Mậu Thân để “đánh đồng” hai bên, đánh lừa dư luận. Sự thật hiển nhiên là những ngày đó, pháo bầy cực nhanh của quân chư hầu Tân Tây Lan từ chiến hạm ngoài cửa biển Thuận An liên tiếp chụp xuống những khu chợ Đông Ba và nhiều nơi hủy diệt toàn bộ khu dân cư này. Trong loạt phim tài liệu Việt Nam - Thiên lịch sử truyền hình của Mỹ, có cảnh lính Mỹ tái chiếm Đại Nội Huế, lửa trùm lên Hoàng thành. Biết bao nạn nhân mà sau này bị rêu rao là “nạn nhân của Việt Cộng” !”.
Càng hiểu thêm rằng, trong cuộc chiến ấy, có những mất mát hy sinh, những vết thương bằng xương bằng thịt. Và có cả những vết thương thật đặc biệt với nỗi đau thầm lặng của người trong cuộc…
|
Theo Trần Tuấn - http://www.tienphong.vn, 20/5/2012
|